Hành chính Minh_Hải_(tỉnh)

Ban đầu tỉnh Minh Hải có 2 thị xã: Minh Hải (tỉnh lỵ), Cà Mau và 7 huyện: Châu Thành, Giá Rai, Hồng Dân, Ngọc Hiển, Thới Bình, Trần Văn Thời, Vĩnh Lợi.

Ngày 11 tháng 7 năm 1977, Hội đồng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Quyết định số 181-CP giải thể huyện Châu Thành thuộc tỉnh Minh Hải.

Ngày 29 tháng 12 năm 1978, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 326-CP về việc phân vạch địa giới hành chính các huyện và thị xã thuộc tỉnh Minh Hải từ 6 huyện, 2 thị xã, 66 xã, 17 phường cũ thành 12 huyện, 2 thị xã, 260 xã, 16 phường và 14 thị trấn mới như sau:

  1. Huyện Vĩnh Lợi có 22 xã, 1 thị trấn huyện lỵ. Phía Bắc giáp tỉnh Hậu Giang, phía đông giáp thị xã Minh Hải, phía tây giáp kênh Cái Cùng và quốc lộ 4, phía nam giáp Biển Đông
  2. Huyện Giá Rai có 31 xã, 3 thị trấn (thị trấn huyện lỵ, thị trấn Hộ Phòng và thị trấn Gành Hào). Phía Bắc giáp xã Vĩnh Phú Tây, xã Phong Thạnh Tây (huyện Phước Long), phía đông giáp huyện Vĩnh Lợi, phía tây giáp xã Tân Thành, xã Định Thành (huyện Cà Mau), phía nam giáp sông Gành Hào và Biển Đông
  3. Huyện Hồng Dân có 16 xã, 1 thị trấn huyện lỵ. Phía bắc và phía đông giáp tỉnh Hậu Giang, phía tây giáp tỉnh Kiên Giang, phía nam giáp huyện Phước Long.
  4. Huyện Thới Bình có 23 xã, 1 thị trấn huyện lỵ. Phía bắc giáp tỉnh Kiên Giang, phía đông giáp huyện Phước Long và huyện Giá Rai, phía tây giáp xã Nguyễn Phích, xã Khánh An (huyện U Minh), phía nam giáp xã An Xuyên và xã Tân Thành (huyện Cà Mau)
  5. Huyện Trần Văn Thời có 26 xã, 1 thị trấn (thị trấn Sông Ông Đốc). Phía bắc giáp rừng U Minh, huyện U Minh, từ ngã ba sông Cái Tàu của xã Khánh An (huyện U Minh) đi thẳng phía tây ra Vịnh Thái Lan, phía đông giáp xã An Xuyên, xã Lý Văn Lâm, xã Lương Thế Trân (huyện Cà Mau), phía tây giáp Vịnh Thái Lan, phía nam giáp xã Phú Mỹ A, xã Phú Mỹ B (huyện Phú Tân).
  6. Huyện Ngọc Hiển có 18 xã, 1 thị trấn huyện lỵ. Phía bắc giáp xã Định Thành, xã Hòa Thành (huyện Cà Mau), phía đông giáp thị trấn Gành Hào (huyện Giá Rai) và Biển Đông, phía tây giáp xã Trần Phán và xã Quách Phẩm A (huyện Cái Nước), phía nam giáp xã Quách Phẩm B (huyện Năm Căn)
  7. Huyện Cà Mau (mới thành lập) có 16 xã, 1 thị trấn (thị trấn Tắc Vân). Phía bắc giáp xã Hồ Thị Kỷ, xã Tân Lộc (huyện Thới Bình), phía đông giáp xã An Trạch (huyện Giá Rai), phía tây giáp xã Khánh Bình (huyện Trần Thời) và xã Khánh An (huyện U Minh), phía nam giáp xã Phú Hưng, xã Trần Văn Phán (huyện Cái Nước) và xã Tạ An Khương (huyện Ngọc Hiển). Địa bàn huyện Cà Mau chính là địa bàn huyện Châu Thành trước đây
  8. Huyện Phước Long (mới thành lập) có 19 xã, 1 thị trấn huyện lỵ. Phía bắc giáp xã Ninh Thạnh Lợi, xã Ninh Quới (huyện Hồng Dân), phía đông giáp xã Vĩnh Hưng, xã Vinh Mỹ B (huyện Vĩnh Lợi), phía tây giáp xã Tân Phú (huyện Thới Bình), phía nam giáp xã Phong Thạnh và xã Phong Thạnh Đông (huyện Giá Rai)
  9. Huyện U Minh (mới thành lập) có 20 xã, 1 thị trấn huyện lỵ. Phía bắc giáp tỉnh Kiên Giang, phía đông giáp huyện Thới Bình, phía tây giáp Vịnh Thái Lan, phía nam giáp huyện Trần Thời
  10. Huyện Phú Tân (mới thành lập) có 16 xã, 1 thị trấn huyện lỵ. Phía bắc giáp huyện Trần Thời, phía đông giáp huyện Cái Nước, phía tây và tây nam giáp Vịnh Thái Lan, phía nam giáp huyện Năm Căn
  11. Huyện Cái Nước (mới thành lập) có 18 xã, 1 thị trấn huyện lỵ. Phía bắc giáp xã Lương Thế Trân (huyện Cà Mau), phía tây và tây bắc giáp xã Phong Lạc (huyện Trần Thời), xã Phú Mỹ A, xã Việt Khái (huyện Phú Tân), phía đông giáp xã Tạ An Khương, xã Tân Duyệt (huyện Ngọc Hiển), phía nam giáp huyện Năm Căn
  12. Huyện Năm Căn (mới thành lập) có 28 xã, 1 thị trấn huyện lỵ. Phía bắc giáp xã Việt Khải (huyện Phú Tân), xã Trần Thời, xã Đông Thới, xã Quách Phẩm A (huyện Cái Nước), phía đông giáp xã Tân Tiến, xã Tân Duyệt (huyện Ngọc Hiển), phía tây giáp Vịnh Thái Lan, phía nam giáp Biển Đông
  13. Thị xã Cà Mau có 8 phường, địa giới giữ nguyên như hiện nay
  14. Thị xã Minh Hải: tỉnh lỵ, có 8 phường và 7 xã ngoại thị. Phía bắc giáp Rạch Trà Khứa và Ấp Cái Giá, phía đông giáp Rạch Cầu Thắng, phía tây giáp Rạch Dần Xây, phía nam giáp Biển Đông.

Ngày 04 tháng 04 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 142-CP[1] về việc điều chỉnh địa giới một số xã và thị trấn thuộc huyện Giá Rai, tỉnh Minh Hải.

Ngày 25 tháng 07 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 275-CP[2] về việc điều chỉnh địa giới một số xã và thị trấn thuộc tỉnh Minh Hải.

Ngày 30 tháng 8 năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 94-HĐBT[3] về việc giải thể huyện Cà Mau, sáp nhập 9 xã, 1 thị trấn của huyện Cà Mau vào thị xã Cà Mau và sáp nhập 7 xã còn lại của huyện Cà Mau vào các huyện Giá Rai, Thới Bình, Cái Nước thuộc tỉnh Minh Hải.

Ngày 17 tháng 5 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 75-HĐBT[4] về việc sáp nhập huyện Phước Long vào huyện Hồng Dân, huyện Phú Tân vào huyện Cái Nước. Đồng thời, đổi tên thị xã Minh Hải thành thị xã Bạc Liêu thuộc tỉnh Minh Hải.

Ngày 17 tháng 12 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 168-HĐBT[5] về việc đổi tên huyện Năm Căn thành huyện Ngọc Hiển, đổi tên huyện Ngọc Hiển thành huyện Đầm Dơi.

Ngày 18 tháng 12 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 170-HĐBT[6] về việc chuyển tỉnh lỵ tỉnh Minh Hải từ thị xã Bạc Liêu về thị xã Cà Mau.

Đến đầu năm 1996, tỉnh Minh Hải có 11 đơn vị hành chính gồm: thị xã Cà Mau (tỉnh lỵ), thị xã Bạc Liêu và 9 huyện: Cái Nước, Đầm Dơi, Giá Rai, Hồng Dân, Ngọc Hiển, Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh, Vĩnh Lợi. Tỉnh lỵ tỉnh Minh Hải đặt tại thị xã Cà Mau cho đến cuối năm 1996, khi tỉnh này bị giải thể.

Ngày 06 tháng 11 năm 1996, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh.[7] Theo đó, tỉnh Minh Hải được tách thành hai tỉnh là tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau.

  1. Tỉnh Cà Mau gồm thị xã Cà Mau và 6 huyện: Cái Nước, Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh.
  2. Tỉnh Bạc Liêu gồm thị xã Bạc Liêu và 3 huyện: Giá Rai, Hồng Dân, Vĩnh Lợi.

Liên quan